Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống con người ngày càng được nâng cao, sức khỏe dần trở thành vấn đề rất được quan tâm, con người đã ý thức được việc phòng bệnh hơn chữa bệnh và nhận thấy việc sử dụng các dược liệu quý có nguồn gốc tự nhiên trong chế độ dinh dưỡng có những tác động rất hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa một số bệnh. Đông trùng hạ thảo là một trong số các dược liệu quý đó và đã được sử dụng lâu đời trong lịch sử Đông y.
Nguồn gốc tên gọi Đông trùng hạ thảo (ĐTHT)
Đông trùng hạ thảo là tên gọi chung cho một nhóm nấm kí sinh và gây bệnh trên côn trùng. Cuối mùa thu, đầu mùa đông chúng kí sinh gây bệnh trên côn trùng. Đến mùa hạ, khi nhiệt độ tăng lên nấm phát triển thành quả thể, mọc giống như cây cỏ - phần thảo. Dựa vào đặc điểm sinh trưởng này, các loài nấm Cordyceps được gọi là “Đông trùng hạ thảo”. Trên thế giới, giống Cordyceps có hơn 600 loài hình thành quả thể theo hình thức tương tự. Nhưng chỉ có một vài loài được chứng minh có hàm lượng dược chất cao, có khả năng sử dụng làm dược liệu, điển hình là Cordyceps sinensis và Cordyceps militaris. Đây là hai loài nấm dược liệu được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền và là thành phần thực phẩm có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, tương tự nhân sâm của các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…Mặc dù, loài Cordyceps sinensis đã được sử dụng từ rất lâu, nhưng chúng có giá thành rất cao do rất khó nuôi trồng và chỉ được thu hái ngoài tự nhiên với sản lượng rất thấp. Trong khi đó, loài Cordyceps militaris lại được sử dụng phổ biến hơn do có thể được nuôi cấy trên môi trường nhân tạo với thành phần chủ yếu là các loại ngũ cốc và trên kí chủ nhộng tằm. Điểm đặc biệt, loài Cordyceps militaris cũng chứa các hoạt chất sinh học như cordycepin và adenosine với hàm lượng cao không thua kém loài Cordyceps sinensis.
Phân loại và mô tả nấm Cordyceps militaris
Cordyceps militaris thuộc giới nấm, ngành Ascomycota, lớp Sordariomycetes, bộ Hypocreales, thuộc họ Cordycipitaceae, chi Cordyceps, được mô tả đầu tiên bởi Carl Linnaeus vào năm 1753. Loài nấm kí sinh trên bướm và sâu bướm, quả thể có màu cam, chiều dài 8 - 10 cm, đầu quả thể nấm có các đốm màu cam sáng. Quả thể nấm nhô lên từ xác ấu trùng hoặc nhộng, mặt cắt ngang quả thể có màu trắng đến cam nhạt, rỗng ở giữa.
Nấm Cordyceps militaris là loài được nghiên cứu kĩ nhất trong chi Cordyceps. Sự đa dạng về hình thái và khả năng thích nghi của loài này ở nhiều sinh cảnh khác nhau có thể là nguyên nhân làm chúng có phân bố khá rộng, được ghi nhận khắp các bán cầu bắc gồm Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Ký chủ phổ biến của loài Cordyceps militaris trong tự nhiên bao gốm ấu trùng và nhộng của các loài bướm. Ngoài ra, còn có các ký chủ khác như các loài côn trùng thuộc bộ cánh cứng, bộ cánh màng và bộ hai cánh. Giống như hầu hết các loài Cordyceps khác, chúng lây nhiễm trên giai đoạn nhộng của các loài bướm khác nhau, rồi nhân lên trong cơ thể ký chủ vào mùa đông. Bào tử nấm theo gió, dính vào bên ngoài kí chủ, sau đó từ bào tử hình thành các ống nảy mầm có các thể bám. Các ống này tiết ra các enzyme như lipase, chitinase, protease làm tan vỏ ngoài của kí chủ và xâm nhập vào bên trong cơ thể. Sau đó, hệ sợi nấm hút dinh dưỡng và sinh trưởng mạnh chiếm toàn bộ cơ thể và gây chết ký chủ. Đến cuối hè hoặc thu, quả thể nhô ra ngoài để phát tán vào không khí.
Đặc biệt, Cordyceps militaris còn dễ dàng được nuôi cấy trên môi trường nhân tạo trên nền cơ chất gạo lứt, nhộng tằm, vitamin, khoáng chất…và cho quả thế có giá trị dược liệu cao.
Thành phần:
Theo số liệu nghiên cứu về thành phần hóa học của thể quả nấm C.militaris cho thấy loài nấm này chứa các thành phần như protein chiếm 40,69%; các loại vitamin: vitamin A, vitamin B1, vitamin B6, vitamin B12, vitamin B3; các nguyên tố khoáng: Se, Zn, Cu; hợp chất hóa học và nhóm hợp chất quan trọng: cordycepin, cordycepic acid, polychaccaride…
- Nucleoside: chủ yếu là adenosine và cordycepin và là thành phần chỉ thị chất lượng của đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris. Chúng có nhiều hoạt tính sinh học như kháng nấm, ức chế khối u, ức chế sự hoạt động của virus HIV…
- Polysaccharide: Các polysaccharide CPS-1 và CPS-2 được tách chiết từ nấm Cordyceps militaris cho thấy chúng có thành phần từ các đơn phân là các đường monosaccharide, mannose và galactose. Kết quả nghiên cứu cho thấy hai loai polysaccharide này có khả năng phục hồi các tổn thương gan do ethanol, và tác dụng này tăng lên khi tăng liều dùng chiết xuất.
- Acid béo: Quả thể nấm Cordyceps militaris chứa nhiều acid béo không no, chiếm 70% tổng số acid béo, trong đó lượng acid linoleic chiếm đến 61,3% trong quả thể và 21,5% trong sinh khối. Lượng acid béo no chủ yếu là acid palmitic.
- Acid amin gồm: lysine, glutamic acid, proline, threonine, arginine và alanine trong quả thể và acid aspartic, valine và tyrosine trong sinh khối nấm.
Giá trị dược liệu của nấm Cordyceps militaris
Các hợp chất có hoạt tính sinh học trong nấm Cordyceps militaris đã được nghiên cứu, ly trích và ứng dụng trong điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe con người. Chúng cho thấy tiềm năng trong việc thúc đẩy các phương pháp điều trị bằng thảo dược hiện nay, cũng như thúc đẩy dược phẩm xanh nhằm tạo môi trường thân thiện, an toàn. Nhiều bằng chứng cho thấy các nguyên tắc hoạt động của Cordyceps militaris có lợi trong việc hỗ trợ suy giảm tình dục, chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, kháng viêm, kháng khuẩn, chống ung thư, điều hòa miễn dịch, hạ đường huyết, giảm cholesterol trong máu, chống tiểu đường, chống HIV, ổn định thần kinh, bảo vệ gan, thận…
Adenosine và cordycepin là hai hợp chất có dược tính cao của nấm Cordyceps militaris, có tác dụng ức chế tăng trưởng không kiểm soát và phân hóa tế bào nhờ cơ chế can thiệp vào sự tổng hợp protein tế bào của cordycepin. Do vậy, ĐTHT có tác dụng mạnh trong việc chống ung thư. Adenosine là một nucleoside nội sinh hiện diện trong tế bào của cơ thể con người, được chứng minh có khả năng điều tiết các quá trình sinh lý trong cơ thể con người, bao gồm bảo vệ tim cùng các chức năng của tiểu cầu, giãn nở mạch máu. Theo các chuyên gia adenosine có mặt ở mọi tế bào trong cơ thể con người, đồng thời tham gia vào hoạt động sống của chúng ta. Hoạt chất này tham gia vào quá trình điều hòa nhịp tim, khắc phục hiện tượng loạn và chậm nhịp tim, cải thiện hệ tuần hoàn ngoại biên và tim mạch, tăng lượng oxy trong máu, cung cấp dưỡng khí cho tuần hoàn máu của cơ thể. Adenosine cũng được chứng minh có tác dụng tích cực trong việc cải thiện tuần hoàn vi và lưu lượng máu cục bộ của thận, điều tiết hàm lượng prostaglandin trong thận cùng các nội tiết tố, các tổ chức thần kinh của chức năng sinh dục.
Ngoài ra, các thành phần dinh dưỡng khác trong ĐTHT có khả năng cung cấp năng lượng cùng các thành phần khác trong cơ thể giúp duy trì các hoạt động sống của cơ thể đồng thời hồi phục sức khỏe của người mới ốm dậy, người bị suy nhược…
Về tác dụng phụ và độc tố: có rất ít tác dụng phụ được chỉ ra với việc sử dụng cordyceps, chúng cũng được chứng minh là loại thảo dược lành tính, ko có độc đố nên khá an toàn với người sử dụng. Có lẽ vì vậy, ĐTHT còn được bán trên thị trường ở các nước phương Tây dưới dạng thuốc không kê đơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đái Duy Ban, Lưu Tham Mưu (2009), Đông trùng hạ thảo: Dược liệu quý hỗ trợ điều trị các bệnh virus, ung thư, HIV/AIDS, đái tháo đường, suy giảm tình dục và nghiên cứu phát hiện loài Đông trùng hạ thảo mới ở Việt Nam. Nxb Y học 2009.
2. Nguyễn Ngọc Trai (2017), "Bước đầu nghiên cứu quy trình nuôi nấm đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) có nguồn gốc từ Nhật Bản tại Trà Vinh”. Báo cáo tổng kết đề tài NCKH cấp trường, Trường Đại học Trà Vinh, QT6.2/KHCN 1 - BM3.
3. Nguyễn Thị Liên Thương, Trịnh Diệp Phương Danh và Nguyễn Văn Hiệp (2016), Nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris: Đặc điểm sinh học, giá trị dược liệu và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nuôi trồng nấm. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 44b: 9-22.
4. Shonkor Kumar Das, Mina Matsuda, Akihiko Sakurai, Mikio Sakakibara (2010), Medicinal uses of the mushroom Cordyceps militaris: current state and prospects. Fitoterapia. 81: 961-968
- CÁCH BẢO QUẢN ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO (29.10.2021)
- Hướng dẫn cách dùng nấm Đông trùng hạ thảo ngâm mật ong (04.04.2021)
- Tìm hiểu về công nghệ sấy thăng hoa đông trùng hạ thảo (16.10.2020)
- Tác dụng của đông trùng hạ thảo (09.10.2020)
- Adenosine và cordycepin trong Đông trùng hạ thảo (08.10.2020)
- Vì sao người cao tuổi nên sử dụng đông trùng hạ thảo? (08.10.2020)